Chính quyền địa phương Hành_chính_Việt_Nam_thời_Hồng_Bàng

Theo "Lĩnh Nam chích quái", quyển 1, "Hồng Bàng thị truyện" nước Văn Lang được chia thành 15 bộ (部), còn gọi là quận (郡) là:

  1. Việt Thường (越裳)
  2. Giao Chỉ (交趾)
  3. Chu Diên (朱鳶)
  4. Vũ Ninh (武寧)
  5. Phúc Lộc (福祿)
  6. Ninh Hải (寧海)
  7. Dương Tuyền (陽泉)
  8. Lục Hải (陸海)
  9. Hoài Hoan (懷驩)
  10. Cửu Chân (九真)
  11. Nhật Nam (日南)
  12. Chân Định (真定)
  13. Văn Lang (文郎)
  14. Quế Lâm (桂林)
  15. Tượng Quận (象郡)

Theo "Việt sử lược", quyển thượng, "Quốc sơ duyên cách" (國初沿革) thì nước Văn Lang gồm 15 bộ lạc (部落):

  1. Giao Chỉ (交趾)
  2. Việt Thường Thị (越裳氏)
  3. Vũ Ninh (武寧)
  4. Quân Ninh (軍寧)
  5. Gia Ninh (嘉寧)
  6. Ninh Hải (寧海)
  7. Lục Hải (陸海)
  8. Thang Tuyền (湯泉)
  9. Tân Xương (新昌)
  10. Bình Văn (平文)
  11. Văn Lang (文郎)
  12. Cửu Chân (九真)
  13. Nhật Nam (日南)
  14. Hoài Hoan (懷驩)
  15. Cửu Đức (九德)

Theo "Dư địa chí" (輿地誌) của Nguyễn Trãi, "Đại Việt sử ký toàn thư" và "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" thì nước Văn Lang được phân thành 15 bộ là:

  1. Giao Chỉ (交趾): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chú là nay thuộc ba tỉnh Hà Nội (河內), Nam Định (南定) và Hưng Yên (興安)
  2. Chu Diên (朱鳶): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chú là nay thuộc tỉnh Sơn Tây (山西)
  3. Vũ Ninh (武寧): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chú là nay thuộc tỉnh Bắc Ninh (北寧)
  4. Phúc Lộc (福祿): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chú là nay thuộc tỉnh Sơn Tây
  5. Việt Thường (越裳): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chú rằng nay là vùng đất từ phủ Hải Lăng (海陵) tỉnh Quảng Trị (廣治) đến phủ Điện Bàn (奠盤) tỉnh Quảng Nam (廣南). Đào Duy Anh căn cứ theo tên huyện Việt Thường quận Cửu Đức (九德) thời thuộc Ngô cho rằng đây là khu vực huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh.
  6. Ninh Hải (寧海): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chú là thuộc tỉnh Quảng Yên.
  7. Dương Tuyền (陽泉): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chú là nay thuộc tỉnh Hải Dương (海陽), Đào Duy Anh căn cứ vào tên huyện Thang Tuyền (湯泉) của Thang châu (湯州) thì cho rằng là đất Thang châu thời thuộc Đường, tức vùng tây nam Quảng Tây, Trung Quốc hiện nay.
  8. Lục Hải (陸海): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chú là nay thuộc tỉnh Lạng Sơn (諒山), Đào Duy Anh xác định là ven biển Hải Phòng hiện nay.
  9. Vũ Định (武定): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chú là nay thuộc hai tỉnh Thái Nguyên (太原) và Cao Bằng (高平).
  10. Hoài Hoan (懷驩): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chú là nay thuộc tỉnh Nghệ An (乂安).
  11. Cửu Chân (九真): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chú là nay thuộc tỉnh Thanh Hóa (清化).
  12. Bình Văn (平文): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" nghi ngờ không khẳng định ở đâu.
  13. Tân Hưng (新興): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chú là nay thuộc hai tỉnh Hưng Hóa (興化) và Tuyên Quang (宣光).
  14. Cửu Đức (九德): "Khâm định Việt sử thông giám cương mục" chú là nay thuộc tỉnh Hà Tĩnh (河靜).
  15. Văn Lang (文郎)

Các nhà nghiên cứu, từ Lê Quý Đôn thế kỷ XVIII tới thời hiện đại đều xác định rằng hầu hết tên các bộ của nước Văn Lang là vay mượn các tên đời sau chép vào[12]. Đại đa số các tên bộ lạc đều được sử sách lấy theo địa danh quận hoặc huyện từ thời Bắc thuộc lần 1 đến thời Bắc thuộc lần 3, như Đào Duy Anh chỉ ra từng tên khi liệt kê các bộ mà cổ sử đã ghi này: Giao Chỉ là tên quận Nhà Hán đặt, Việt Thường Thị là tên huyện thuộc quận Cửu Đức thời thuộc Ngôhuyện thuộc quận Nhật Nam thời thuộc Tùy, Vũ Ninh là huyện thuộc quận Giao Chỉ thời thuộc Đông Ngô, Quân Ninh là tên huyện thuộc Ái châu do Nhà Đường đặt, Gia Ninh là tên huyện thuộc Phong châu thời thuộc Đường, Ninh Hải là tên quận đặt thời thuộc Lương, Tân Xương là quận thời thuộc Tấn, Thang Tuyền là tên quận và huyện thời Đường thuộc Thang châu, Lục Hải tức Lục châu thời thuộc Đường, Cửu Chân là tên quận thời thuộc Hán, Nhật Nam cũng là tên quận thời thuộc Hán, Hoài Hoan là tên huyện thời Đường thuộc Hoan châu, Cửu Đức là tên quận thời thuộc Ngô vân vân[13].

Các nhà nghiên cứu cho rằng sở dĩ như vậy vì các sử gia thời cổ đại muốn cho nước Văn Lang trong truyền thuyết có nội dung cụ thể, chọn lấy một số tên với 2 mục đích vừa đủ số 15 bộ trong truyền thuyết và vừa trùm đủ địa bàn sinh sống của người Lạc Việt thời Hùng Vương[14].

Dân cư đương thời còn thưa thớt[15]. Tổ chức chính quyền có 2 cấp: bộ lạc (mà đến thời thuộc Hán sau này trở thành huyện[6][16]) và dưới bộ lạc là cộng đồng công xã nông thôn (kẻ, chạ, chiềng, mường), kết hợp quan hệ hàng xóm với quan hệ họ hàng. Một chiềng có thể cai quản nhiều bản[11]. Đứng đầu công xã là Bồ Chính (được xác định là phiên âm Hán của từ Việt cổ, giống âm Pó Chiêng tiếng Tày-Thái, chiềng là bản lớn có thế lực cai quản những bản nhỏ, có nghĩa là già làng)[6][12]. Bên cạnh đó còn có Hội đồng công xã do các thành viên cử ra để giải quyết mọi việc ở địa phương[12].

Các sử gia hiện đại dẫn chứng một số địa danh còn thành tố "chiềng" phân bố trong không gian rộng lớn từ Bắc Việt Nam qua Bắc Lào tới Bắc Thái Lan. Những nơi có địa danh "Chiềng" mật độ lớn nhất là vùng Sơn La, ngay cả khu vực Hà Nội cũng có (Chiềng Lôi, Chiềng Tăng, Chiềng Vậy). Đỗ Văn Ninh đã thống kê được 80 địa danh ở Việt Nam, 35 địa danh Lào và 23 địa danh Thái Lan có thành tố "Chiềng"[17].